Site icon BONG99

Nhà văn Lữ Mai: Viết với lòng biết ơn tuổi thơ

Nhà văn Lữ Mai: Viết với lòng biết ơn tuổi thơ - Ảnh 1.

Chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi nhận Giải Khát vọng Dế Mèn 2024 khi còn là bản thảo, tập truyện dài Dưới khung ngát xanh của nhà văn, nhà thơ Lữ Mai đã được NXB Văn học và Linh Lan Books ấn hành, như một món quà dành tặng thế giới tuổi thơ đầy hồn nhiên, trong trẻo.

Trước khi đến với độc giả, tác phẩm này đã gây bất ngờ tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn bởi tác giả Lữ Mai vốn được biết đến nhiều qua những tập thơ, trường ca, truyện ngắn… trong khi đây lại là truyện dài đầu tiên chị viết về đề tài thiếu nhi.

Nhân dịp Dưới khung ngát xanh được ra mắt mới đây, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tác giả Lữ Mai:

Đong đầy ký ức tuổi thơ

* Trong lời nói đầu của tập truyện, chị có thổ lộ rằng: “Những hình ảnh đầu tiên hiện lên gọi về ký ức tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm… Viết như sợ những ký ức đơn sơ đó rời bỏ mình”. Hẳn ký ức tuổi thơ chính là động lực để chị viết tập truyện này?

– Đúng là như vậy! Xuyên suốt Dưới khung trời ngát xanh, tôi thêm lần nữa được sống trong bầu ký ức tuổi thơ. Ngày còn bé, tôi luôn ghi lại những câu chuyện xung quanh gia đình, xóm làng, trường lớp của mình một cách tự nhiên nhất.

Và rồi, tôi lớn lên, dần dần đã mất đi thói quen ấy, cũng làm thất lạc nhiều trang viết tuổi thơ. Đã có giai đoạn tôi nghĩ đến việc viết trở lại như ngày xưa nhưng điều đó chẳng hề dễ dàng. Phải trải qua một thời gian dài, khi tôi xa quê hương đủ lâu, đã có gia đình, làm mẹ trẻ con, chơi với trẻ thì tôi mới có thể viết tiếp một điều gì đó.

* Đọc “Dưới khung trời ngát xanh”, hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với cuộc sống đầy màu sắc của lũ trẻ xóm Đồi, làng Ghe – nơi được núi sông bao bọc bốn phía. Cuộc sống của đám trẻ ấy được chị tả, kể hết sức chi tiết và chân thực mà có lẽ ai đã trải qua rồi khi đọc đều như được sống lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của thời thơ bé. Phải chăng, Lữ Mai đã dựng lại toàn bộ tuổi thơ của mình trong tập truyện?

– Tập truyện đong đầy ký ức của tôi. Hầu hết đó là những câu chuyện có thật, tôi đã trải nghiệm với mọi cung bậc cảm xúc. Đôi khi, tôi nhắc lại cho bố mẹ hoặc bạn bè, mọi người đều ngạc nhiên bởi hầu như tất cả đã lãng quên phần nhiều.

Tôi có một đặc điểm, đó là, bây giờ tôi có thể quên những sự kiện vừa diễn ra, nhưng ký ức dường như nguyên vẹn. Tôi nhớ từng loài cây dại ven đồi. Nhớ hương thơm ngai ngái của những cọng cỏ mẹ từng bế tôi lên dỗ dành khi tôi khóc rồi chạm cọng cỏ đó lên má tôi, lên môi tôi. Tôi viết với sự xúc động và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành cho tuổi thơ mình.

* Còn nhớ trên sân khấu nhận giải Dế Mèn, chị có chia sẻ “Dưới khung ngát xanh” được viết từ một động lực quan trọng khác đó là con gái của chị – bé Kẹo cũng từng nhận Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Dế Mèn 2023. Vậy, độc giả đặc biệt này đã bày tỏ như thế nào về tập truyện?

– Con gái tôi đọc tác phẩm như một độc giả đặc biệt, đó là từ khi ở dạng bản thảo cho tới lúc sách được phát hành. Cháu bày tỏ sự hào hứng, thú vị khi biết được đó là một phần ký ức tuổi thơ của mẹ và đặc biệt là đặt ra rất nhiều câu hỏi: Tại sao, thế nào… Rồi tôi chợt nhận ra, khoảng trời ký ức của chúng ta, nếu ta không chia sẻ, thì một lúc nào đó sẽ co gọn lại trong chính thế giới riêng mà không có cơ hội để người khác hiểu và đồng cảm.

Gia đình thời hiện đại, nhiều khi sự đối thoại rơi vào quên lãng, ký ức hay khát vọng của mỗi thành viên cũng thế… và cuốn sách này là một món quà, không chỉ cho riêng tôi, mà dành cho cả con gái tôi, để đáp lại một phần những tò mò, hay những câu chuyện mà nhiều lần tôi còn nợ, chưa thể kể cho con nghe một cách đầu cuối, chi tiết về quê hương, về gia đình thuở nhỏ của tôi.

* Vậy theo chị việc bố mẹ chia sẻ ký ức tuổi thơ của mình với con cái có ý nghĩa như thế nào?

– Câu chuyện ký ức của ông bà, bố mẹ và cộng đồng làng xã quanh mình đã nuôi dưỡng một phần đáng kể trong tâm hồn tôi, đã ảnh hưởng nhất định đến những lựa chọn của tôi. Bố tôi là một người lính, sau chiến tranh về làng làm nghề nông, nhưng ông kể rất hay về những năm tháng trong quân ngũ, về đồng đội, về khát khao trong từng thời điểm. Mẹ tôi quanh năm chân lấm tay bùn nhưng cảm nhận rất tinh tế, sâu lắng về thôn dã.

Càng đi xa, càng trưởng thành, càng hòa mình vào đời sống hiện đại, tôi dần cảm thấy sự đứt gãy, mờ nhòe của sợi dây kết nối ấy ở bối cảnh ngày nay. Người ta, kể cả vợ chồng hay bố mẹ với con cái, không còn quan tâm tới ký ức của nhau nữa, không còn nuôi dưỡng cho nó tiếp tục sống nữa… như vậy người ta cảm thấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cơm áo hằng ngày. Tuy nhiên, ở những bối cảnh, tình huống hay khúc quanh nào đó của đời sống, khi mà giá trị tinh thần cần để chiến thắng các yếu tố khác thì chúng ta sẽ thất bại.

Bởi lẽ đó, trong nhiều yếu tố của tinh thần, nuôi dưỡng ký ức là điều quan trọng với tôi và tôi cũng muốn tạo thói quen ấy cho con tôi.

Cơ hội từ “cây cầu” Dế Mèn

* Sau khi nhận Giải Khát vọng Dế Mèn, “Dưới khung ngát xanh” đã được xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc rất nhanh trong chưa đầy 3 tháng. Xin chị cho biết tập truyện đã được đơn vị xuất bản đón nhận như thế nào?

– Đây là niềm vui của tôi khi đứa con tinh thần từ dạng bản thảo đã nhanh chóng đến được với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi trong mùa Trung thu, mùa khai trường. Tôi nghĩ không riêng gì ai, hầu hết các tác giả, khi viết thường định vị là viết cho mình, nhưng tác phẩm ra hình hài rồi thường muốn chia sẻ, lan tỏa.

Ngay sau khi Dưới khung trời ngát xanh đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn, Linh Lan Books đã đặt vấn đề với tôi về việc mua bản quyền cuốn sách và cùng với Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tôi thực sự rất biết ơn Ban tổ chức giải Dế Mèn bằng sự ghi nhận, nâng bước ban đầu, giúp cho tác phẩm của tôi có cơ hội tốt hơn để đến với bạn đọc.

Qua quan sát, tôi cũng thấy, qua các mùa giải, nhiều bản thảo được tôn vinh tại giải thưởng và từ đó, tác giả/độc giả có thêm nhiều cơ hội chia sẻ về văn học hơn, thông qua “cây cầu” Dế Mèn. Tôi mong ngày càng có thêm nhiều giải thưởng văn học nói chung, văn học thiếu nhi nói riêng tiếp nhận tác phẩm dự thi ở dạng bản thảo để kênh tuyển chọn, thẩm định được mở rộng hơn.

* “Dưới khung trời ngát xanh” là tập truyện dài thiếu nhi đầu tiên của chị nhưng đã gây được dấu ấn. Chị cũng đã có thơ thiếu nhi được in trong sách giáo khoa, xuất bản 5 tập thơ cho trẻ học nói…. Liệu chị có xác định sẽ đi đường dài với văn học thiếu nhi từ những tín hiệu tích cực như thế?

– Ở mỗi thời điểm, tôi thường có những sự lựa chọn riêng và mang tính phù hợp một cách tương đối. Tôi luôn viết mỗi ngày, bằng cả những cảm xúc, ý tưởng bật ra từ bên trong cho tới những dự định được xây dựng theo kế hoạch.

Tôi xác định đi đường dài với văn học, và mảng văn học thiếu nhi luôn thu hút, tình cảm, sự quan tâm của tôi, khiến tôi hướng cảm xúc, ý nghĩ của mình vào đó. Nhưng để đi đường dài với văn học thiếu nhi thực sự là một thách thức khiến tôi cảm thấy cần lắng nghe, rèn giũa và khắt khe hơn với mình.

* Vậy chị có thể chia sẻ dự định sáng tác cho thiếu nhi trong thời gian tới?

– Tôi đang có kế hoạch cho một số tác phẩm thơ và truyện dài với cảm hứng chủ đạo vẫn là hòa vào ký ức những tháng ngày đã qua để từ đó bật lên những câu chuyện quen mà lạ.

Tôi từng nghe nhiều đứa trẻ nói với bố mẹ: “Toàn chuyện cũ, bố mẹ cứ kể đi kể lại”. Nhưng đó lại là một thử thách với người viết như chúng tôi. Ta có thể kể những câu chuyện cũ, mà độc giả đọc lại như mới. Ta có thể kể đi kể lại, mà độc giả không cảm thấy nhàm chán.

Cái hay của ký ức, khi được nối dài từ thế hệ trước đến thế hệ sau, là dẫu xa xôi, xa lạ đấy nhưng nó sẽ hình thành một sợi dây rung cảm, đồng cảm xuyên suốt để ta có thể níu giữ, bảo vệ một phần đời sống tinh thần.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Tác giả Lữ Mai sinh năm 1988. Hiện công tác tại báo Nhân dân. Đã xuất bản 15 tác phẩm chính đa dạng về thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút… trong đó nổi bật là 3 trường ca: Ngang qua bình minh (NXB Văn học, 2020); Chư Tan Kra mây trắng (NXB Hội Nhà văn, 2021), Hồi sinh (NXB Hội Nhà văn, 2022).

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ